Review | Tóm Tắt Sách Nghệ Thuật PR Bản Thân Của Austin Kleon

Về tác giả: 

Austin Kleon là nhà văn và nghệ sĩ sống tại Austin, Texas là tác giả của 3 cuốn sách bán chạy nhất trên New York Times: Steal Like An Artist, Newspaper Blackout, Show Your Work. Anh là diễn giả về chủ đề sáng tạo trong thời đại kỹ thuật số cho Pixar, Google, SXSW, TEDx, The Economist. Tờ The Atlantic gọi anh là “Một trong những người thú vị nhất trên Internet”.

(Hãy để người khác “ăn cắp” ý tưởng của bạn)

Mở đầu của quyển sách mình ấn tượng ngay từ ban đầu đó chính là: “Sáng tạo không phải là tài năng nó chỉ là một cách làm việc” _ John Cleese

Một cách làm việc mới khai sáng cho lối suy nghĩ của chúng ta, đa phần ai cũng muốn được người khác chú ý nhưng không phải là quảng cáo về bản thân mà là “Hãy làm tốt đến mức họ không thể phớt lờ bạn được” và nếu bạn đã làm tốt nhất thì hãy bày những gì bạn đã làm ra để người khác biết đến.

Sau đây mình sẽ review và tóm tắt nội dung về 10 Cách giúp bạn chia sẻ ý tưởng sáng tạo và được mọi người chú ý.

  1. Bạn không cần phải là một thiên tài

Không phải ai sinh ra cũng là một tài năng và vì lẽ đó hãy tìm kiếm, xây dựng một cộng đồng tài năng để “Cho đi những gì bạn có, đối với ai đó nó có thể mang ý nghĩa hơn bạn tưởng rất nhiều”_ Nhà Thơ Henry Wadsworth LongFellow. Cộng đồng tài năng mang lại chỗ đứng cho tất cả mọi người để sáng tạo và để tạo nên giá trị một cách công bằng.

Hãy là kẻ nghiệp dư, “Đó là thứ dành cho tất cả chúng ta. Chúng ta không sống đủ lâu để trở thành bất cứ thứ gì khác” _ Charlie Chaplin câu nói này không có nghĩa khuyên bạn mãi là người nghiệp dư. Cuốn sách chỉ ra rằng ai cũng lo sợ người khác biết mình là một người nghiệp dư nhưng hãy là kẻ nghiệp dư luôn tràn đầy nhiệt huyết, theo đuổi công việc mà mình yêu thích, sẵn sàng theo đuổi công việc vì tình yêu mà không màng đến tiếng tăm, tiền bạc hay địa vị lại có lợi thế hơn cả những người chuyên nghiệp. Bởi họ chẳng có gì để mất. Thế giới đang thay đổi không ngừng và đôi khi chúng ta cần chấp nhận như là một kẻ nghiệp dư để thích nghi, sáng tạo và làm việc hết mình để thành công. Chia sẻ những gì mình yêu thích thì những người chung sở thích sẽ tự tìm đến chúng ta.

Bạn sẽ không nghe thấy được giọng của mình nếu không dùng đến nó. Trong thời đại hiện nay nếu chúng ta làm mà không trình diễn được, cũng như sản phẩm được làm ra mà không đưa lên mạng thì chúng bị coi như chưa tồn tại.Vì vậy, chúng ta phải nói lên được tiếng nói của mình, đều đặn thì người khác mới tìm tới được chúng ta. Điều đặc biệt hơn cả đó là làm mọi thứ bằng nhiệt huyết như thể “Sống như ngày mai sẽ chết” như vậy mới thổi hồn vào cuộc sống và những sản phẩm của mình. Bởi khi đã trải nghiệm sự gần kề cái chết bạn mới biết sự sống quý giá như thế nào.Vì vậy nghĩ về cái chết để cảm thấy muốn sống và sống tốt hơn bao giờ hết.

  1. Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm

“Rất nhiều người chỉ quen nhìn thấy kết quả công việc. Họ chẳng bao giờ nhìn thấy những gì bạn phải trải qua để tạo ra sản phẩm” _ Michael Jackson. Công việc hay sản phẩm là một quá trình không đơn thuần là một vật thể. Nhìn vào phía sau sân khấu chúng ta mới có thể hiểu được quá trình làm nên thành tựu vì lẽ đó cần chia sẻ quá trình để kết nối khách hàng với người tạo nên sản phẩm giá trị. Quá trình đó sẽ giúp chúng ta bán được nhiều sản phẩm hơn bởi người mua không chỉ mua giá trị của sản phẩm mà còn được trải nghiệm cả một quá trình. Cũng như muốn xây dựng một mối quan hệ bền chắc, chắc chắn ta phải phô diễn, thể hiện những giá trị một cách chân thật và rõ ràng nhất có thể. 

Ghi chép lại tất cả những gì bạn đã làm. Dù nghề nghiệp của chúng ta có là gì, chúng ta vẫn là người nghệ sĩ trong bộ môn của chính mình và hơn thế có nhiều người quan tâm đến bộ môn đó. Cách để biến mỗi người thành nghệ sĩ lại phải theo cách của riêng mỗi người, nhặt nhạnh từng mảnh ghép nhỏ và chia sẻ theo một cách riêng phù hợp. Như nhà báo David Carr từng khuyên sinh viên rằng “Chẳng ai quan tâm đến CV của bạn, họ chỉ muốn thấy bạn làm được gì bằng chính đôi bàn tay của bạn.”

  1. Mỗi ngày chia sẻ một vài điều nho nhỏ

Lời khuyên của phần này đó chính là mỗi ngày chúng ta đều chia sẻ những trải nghiệm, bài học, công việc hay cuộc sống của mình để làm nên những thay đổi lớn luôn bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt. Tuỳ thuộc lĩnh vực mà chúng ta tham gia mà nên chọn nền tảng chia sẻ phù hợp. Trong phần này, tác giả cũng chia sẻ góc nhìn về việc tập trung vào hiện tại, nghiêm khắc với bản thân. Dù những điều chia sẻ nhỏ nhưng có giá trị hơn là chúng ta chia sẻ nhiều điều vô giá trị. Chia sẻ là một điều hào phóng nhưng cần làm nên điều đặc biệt, hữu ích, thú vị và tránh chia sẻ quá đà.

Biến lưu lượng thành trữ lượng. “Nếu mỗi ngày một chút thì đến một lúc nào đó bạn sẽ có một thành quả vĩ đại” _ Kenneth Goldsmith. Như một cuốn sổ ghi chép những nền tảng mạng cộng đồng sẽ giúp mọi người biết đến bạn một cách lâu dài và chắc chắn.

Xây dựng một tên tuổi tốt. Chuyên gia công nghệ Andy Baio đã chia sẻ: “Hãy tự tạo cho mình không gian trên mạng, một nơi nào đó để bạn tự bộc bạch và chia sẻ công việc. Đó vẫn là một cách đầu tư thời gian tốt nhất.” Đây là nơi chúng ta có thể đăng tải ý tưởng, công việc, những thứ mà mình quan tâm. Đặc biệt cần sự kiên trì, chăm chỉ cùng với nó. Những gì giá trị nhất là sự dài hạn và không mang tính thương mại. Giá trị lớn nhất nằm ở việc xây dựng giá trị cốt lõi, bền vững nơi con người bạn.

  1. Mở cửa văn phòng của những kỳ quan

Theo Paul Arden (Tác giả cuốn ngược lại và làm khác đi) đã chia sẻ: “Vấn đề của việc tích trữ là bạn sẽ sống dựa trên nguồn dự trữ. Nếu cho đi mọi thứ bạn có bạn sẽ chẳng còn lại gì. Khi đó bạn bắt buộc phải tìm kiếm, phải để ý, phải bổ sung… và vô hình trung, càng cho nhiều bạn càng nhận lại nhiều hơn.” Trong phần này, tác giả chú trọng những nguyên liệu, những nhân tố tác động và tạo nên con người riêng, chỉ khi thể hiện ra những nhân tố đó mới khiến những người chú ý đến mình hiểu bạn là con người như thế nào. “Tuyển tập các tác phẩm chính là tấm gương phản chiếu tài năng của bạn” _ DJ Spooky.

Không có cái gọi là thú vui tội lỗi trong phần nãy tác giả tập trung truyền đạt việc chúng ta cần cởi mở, chân thành với những thứ mình thích và điều này cũng sẽ kết nối được những người có cùng sở thích với nhau. “Làm việc gì bạn thấy có khả năng nhất, và kết nối với mọi thứ còn lại.” _ Jeff Jarvis, Người sáng lập tờ Entertainment Weekly. 

Luôn công nhận sự đóng góp của người khác. Nếu chia sẻ tác phẩm của người khác, chúng ta cần đảm bảo người đó được vinh danh xứng đáng. Chia sẻ những thông tin có nguồn gốc hoặc đừng chia sẻ. 

  1. Kể những câu chuyện hay

Sản phẩm không bao giờ tự lên tiếng. Trong phần này tác giả đề cập tới việc câu chuyện mà chúng ta kể về sản phẩm của mình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc hiểu biết của mọi người về nó, những yếu tố này tạo nên giá trị của sản phẩm. Nếu muốn chia sẻ về bản thân, công việc hiệu quả thì mỗi người cần trở thành một người kể chuyện tài tình. 

Cấu trúc có ý nghĩa quyết định. Phần này tác giả cho chúng ta hiểu rằng câu chuyện của chúng ta phải do chính mình viết. Nhưng kể câu chuyện sao cho hấp dẫn thì câu chuyện cần có cấu trúc, Mở đầu – Sự kiện kích thích – Cao trào – Giải Quyết – Đoạn kết. 

Tự nói về bản thân trong các bữa tiệc. Chìa khoá của phần này đó chính là việc nói sự thật về bản thân một cách duyên dáng, kiên trì trả lời những câu hỏi của những người quan tâm đến mình. Đừng cố tỏ ra khôn ngoan và khoe mẽ. 

  1. Dạy những gì bạn biết

“Việc mong muốn giữ lại những gì bạn học được không chỉ đáng hổ thẹn mà còn mang tính phá hoại. Bất cứ thứ gì bạn không sẵn lòng và hào phóng cho đi đều sẽ rời bỏ bạn. Bạn mở két sắt ra và sẽ thấy chỉ toàn tro bụi mà thôi.” _ Annie Dillard. 

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của bạn. Chia sẻ kinh nghiệm không làm giảm giá trị của bạn hay sản phẩm mà chỉ làm tăng thêm giá trị cho nó. Câu mà mình thích nhất trong phần này đó là “Xuất bản một tác phẩm ra thị trường là một hình thức giáo dục miễn phí sẽ tồn tại suốt cả một đời” _ Tác giả Christopher Hitchens. Vòng tròn học và dạy sẽ luôn vận động để không ngừng tạo ra giá trị.

  1. Đừng biến thành chiếc máy Spam

Nhà văn Richard Ford đã chia sẻ: “Khi ai đó nhận ra học được lắng nghe, họ sẽ kể cho bạn nhiều thứ”. 

Im lặng và lắng nghe. Nếu bạn muốn viết hay trước hết cần đọc nhiều. Sản phẩm tốt không được tạo ra một cách tách biệt với thế giới, đây chính là con đường hai chiều của việc lắng nghe ý kiến phản hồi từ đọc giả. Nếu muốn nhận được thì cần cho đi. Nếu muốn được để ý thì bạn cần phải để ý. Im lặng, lắng nghe, chín chắn. Là một trạm trung chuyển thông tin và không biến thành cỗ máy Spam.

Bạn muốn trái tim, không phải chỉ là ánh mắt. Phần này sẽ chia sẻ cho bạn việc hãy quan tâm đến chất lượng những người theo dõi mình trên mạng. Đừng nói chuyện với những người bạn không ưa và đừng nói về những thứ bạn không muốn nói. Ngược lại, chúng ta nên làm những việc mình muốn làm và nói về những điều mình yêu thích. Tóm lại, chúng ta nên biết cách nói chuyện với mọi người, quan sát và lắng nghe, học cách làm việc với những người khác, ghi nhận đóng góp của mọi người và biết tránh đường.

Bài kiểm tra Ma cà rồng. Theo Derek Sivers, nhà sáng lập CD Baby: “Bất cứ điều gì khiến bạn hứng thú, hãy bắt tay làm nó. Bất cứ điều gì khiến bạn mệt mỏi, hãy ngừng công việc đó lại.” Trong phần này tác giả đề cập đến việc bạn cần cân nhắc giữ ai và loại ai ra khỏi cuộc sống của mình. 

Nhận dạng những người cùng hội cùng thuyền. “Một phần của công việc sáng tạo đó là tìm kiếm những người cùng hội cùng thuyền. Họ ở khắp mọi nơi nhưng đừng tìm họ ở nhầm chỗ.” _ Nhà văn Henry Miller. 

Gặp gỡ ngoài đời thật. “Tôi và bạn sẽ sống lâu hơn Twitter nhiều, và không có gì có thể thay thế sự tương tác trực tiếp cả.” _ Tác giả Rob Delaney. Gặp gỡ mọi người trên mạng là trải nghiệm tuyệt vời, nhưng biến họ thành những người bạn đời thực còn tuyệt vời hơn.

  1. Học cách chịu đòn

Phần này đại ý là cuộc sống không thể nào làm hài lòng mọi người, chắc chắn trên con đường mình đi sẽ gặp những lời khen và cả những lời chỉ trích. Tuy vậy, cách đón nhận và ứng xử với những lời chỉ trích đó lại là của chúng ta. 

Lời kết cho phần này chính là lời chia sẻ của tác giả truyện tranh Brian Michael Bendis: “Đừng bận lòng về nhận xét của mọi người, chỉ cần quan tâm đến nhận xét của người đáng quan tâm là được.”

  1. Bán rẻ nghệ thuật

Ngay cả việc phục hưng cũng cần có vốn. Điều mình thích nhất trong phần này đó là “Đừng từ bỏ bạn bè vì họ có chút thành công. Đừng ghen tị khi những người bạn yêu quý thành đạt trong cuộc sống – hãy vui với chiến thắng của họ, giống như đó là chiến thắng của chính mình.”

Chìa mũ ra trước tất cả mọi người. Đúc kết cho phần này đó chính là “Đừng ngại định giá cho sản phẩm của mình, nhưng cái giá đưa ra phải phù hợp.” Đồng thời cách thức chúng ta quyên góp hay bán sản phẩm của mình cũng rất quan trọng. 

Giữ một danh sách địa chỉ Email. Trong phần này tác giả chỉ rõ email đã tồn tại nhiều thập kỷ, cần tận dụng những người sẵn sàng nhận email của chúng ta và truyền tải thông tin tới họ một cách phù hợp. Chính điều này tạo nên giá trị và hiệu quả bất ngờ cho sản phẩm của bạn.

Tạo thêm việc cho bản thân. Tác giả đề cập đến việc cuộc sống đầy sáng tạo luôn có nhiều thay đổi, bản thân mình cần bắt lấy cơ hội, cố gắng khám phá để nắm bắt được những cơ hội này.

Điều mình tâm đắc nhất trong phần Cho đi để trả nợ đó là: “Khi bạn thành công, điều quan trọng nhất là phải dùng tất cả tiền bạc, quyền lực và nền tảng để giúp đỡ những người từng giúp bạn có được vị trí hiện tại. Hào phòng hết mức có thể, chỉ ích kỷ một chút, đủ để làm xong công việc là được.”

Kết lại cho phần này đó là chia sẻ của Michael Lewis, tác giả cuốn FlashBoy, Cuộc nổi dậy ở phố Wall: “Trên hết, hãy hiểu rằng bạn thành công tức là bạn may mắn – và đi kèm với may mắn là nghĩa vụ. Bạn có một món nợ, bạn nợ những người kém may mắn hơn.”

  1. Đừng bỏ cuộc

Cuộc sống cũng giống như nghề nghiệp sẽ có lúc thăng lúc trầm, đôi khi chúng ta không thể biết được điều gì sẽ xảy ra ở phía trước. Điều quan trọng là kiên trì và đừng từ bỏ để tiếp tục viết nên những câu chuyện của cuộc đời mình. Chúng ta luôn luôn phải bước tiếp vì cuộc sống không bao giờ dừng lại, vấp ngã ở đâu hãy đứng lên ở đó và lắng nghe để cải thiện, làm tốt hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, đôi khi cũng nên dừng lại để suy nghĩ, để thay đổi, nghỉ ngơi tìm kiếm những ý tưởng mới, làm mới mình để tạo ra những bước đà cho những chặng đường tiếp theo.

Bắt đầu lại lần nữa trong phần này mình tâm đắc nhất đó là: “Khi cảm thấy mình đã học được mọi điều cần thiết từ công việc hiện tại, thì đó cũng là lúc đổi hướng và tìm một thứ gì đó mới mẻ để đưa bạn tiếp tục tiến lên.” Đây cũng là lúc “Chuyển sang giấc mơ tiếp theo” để làm một kẻ A-ma-tơ để bắt đầu lại một hành trình đầy nhiệt huyết và sáng tạo. 

Kết: “Bạn không cần phải tìm người ủng hộ sản phẩm của mình; họ sẽ tự tìm đến bạn. Nhưng chỉ làm tốt thôi vẫn chưa đủ. Để được tìm thấy bạn phải nằm trong vùng tìm kiếm.”
Cảm nghĩ cá nhân: Chưa bao giờ đọc một quyển sách mà lại thấm đến thế. Cuộc sống và công việc luôn trải qua những thăng trầm. Điều quan trọng nhất là bước tiếp, không ngừng thay đổi, sáng tạo, ước mơ và viết nên câu chuyện của cuộc đời mình. Bản tóm tắt này dành cho những ai đang trong giai đoạn thăng trầm của cuộc đời mình, đứng lên từ nơi bạn vấp ngã, bắt đầu lại từ đầu và đừng quên cuộc đời chúng ta chỉ có một. Vì vậy, hãy sống để đừng tiếc nuối, đừng u tối mà hãy cùng nhau toả sáng.

Podcast Nghệ Thuật PR Bản Thân của Austin Kleon

Phần 1
Phần 2

Note:  Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của Blog.

Nguyễn Xuân Hồng Digital Sales

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Start a Blog at WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: