Giản Tư Trung là một tác giả với tầm nhìn lớn. Quyển sách bàn về câu chuyện khai minh từ việc làm người, làm dân, làm nghề cho đến làm giáo dục. Bất luận trong suốt hành trình khai minh của một con người trải qua nhiều giai đoạn nhưng tựu chung lại vẫn là được làm chính mình. Con người ta là sản phẩm của chính mình không của ai khác. Cũng như tác giả đã tóm lại “Con người tự do vừa là hành trình, vừa là đích đến của sự học và sự đời” cần “Tự lực khai phóng để trở thành con người tự do”.
Đúng việc gồm 327 trang. Được chia làm 4 phần.
Phần 1: Làm người
Bàn về việc làm người sẽ có những vấn đề chính như định nghĩa về con người, những năng lực để làm người và làm thế nào để có những năng lực làm người. Trong phần này, Hồng tâm đắc nhất mục “Ta là sản phẩm của chính mình”. Quả đúng như tác giả đã viết, bản thân mỗi người được sinh ra là một bản thể rất riêng và đặc biệt. Nếu ví con người như một sản phẩm thì đó là một sản phẩm độc nhất vô nhị. Để làm người đúng nghĩa cần trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành về thể chất lẫn nhận thức. Việc khai minh trưởng thành về nhận thức, đạo đức là sự tự nhận thức, tự chui rèn và nhận diện phân biệt được đúng sai, lựa chọn đi trên con đường nào là lý tưởng, quyết định riêng của mỗi người. Vì vậy, làm người đúng nghĩa là một con đường đi khó, kiên trì với mục tiêu, lý tưởng sống, kết tinh từ nhiều yếu tố mà thành. Chung quy lại đúng là mỗi người là sản phẩm của chính mình, tốt xấu, đạo đức, minh tuệ hay không thì vẫn chính là bản thân mình không thể phủ nhận. Chính con người quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào, đến cuối cùng câu trả lời vẫn là tự thân mỗi người. Trong cuộc đời chắc chắn chúng ta sẽ gặp gỡ và chịu tác động của nhiều người nhưng câu trả lời mình là ai, điều gì quan trọng nhất, mục đích sống của mình là gì vẫn chỉ có chính bản thân ta trả lời, không một ai có thể thay mình trả lời được.
Phần 2: Làm dân
Bàn về việc làm dân tác giả đã gợi mở vấn đề về việc làm một công dân thực thụ, cung cấp những kiến thức và ví dụ về các mô hình nhà nước từ cổ đại đến hiện đại cùng với những tiến bộ của các thể chế quản lý quốc gia. Sự tương đồng, khác biệt giữa việc làm chủ công ty và làm chủ một quốc gia. Năng lực làm dân của công dân được thể hiện như thế nào để bảo vệ quyền lợi của chính họ và giúp xây dựng quốc gia phồn thịnh, tiến bộ. Trong phần này, Hồng rất tâm đắc phần năng lực làm dân bởi làm dân không hề dễ, đây là bộ phận quan trọng làm nên một quốc gia. Mỗi công dân có năng lực tốt đều sẽ góp phần làm cho đất nước thêm phát triển và tiến bộ. Nếu làm dân qua loa, đại khái, không quan tâm đến pháp luật, chính trị, kinh tế quốc gia thì đó cũng là sự thờ ơ đối với chính tương lai của chính mình và thế hệ mai sau. Vì lẽ đó làm dân cho đáng nên dân cũng là một quá trình cần rèn luyện và nhận thức đúng đắn trước mọi vấn đề thì đất nước mới phát triển, đi đúng hướng.
Phần 3: Làm nghề
Bàn về việc làm nghề tác giả đã nói lên những vấn đề căn cốt “Làm nghề” cũng là “Làm người”. Tác giả đã lấy nhiều ví dụ trong nhiều ngành nghề để làm rõ thước đo về việc làm nghề như thế nào là đúng với đạo nghề, mang lại giá trị cho chính mình và cuộc sống. Bất kể nghề nào cũng có những thước đo cho người làm nghề đó, thước đo về năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, giá trị kế thừa và giá trị đem lại cho cộng đồng, thế hệ sau. Chọn đúng một nghề và đi theo tới cùng, sống chết với nghề là một quá trình nhưng đứng trước nhiều cạm bẫy con người cũng dễ xẩy chân, lệch hướng. Vì vậy đọc xong phần này, Hồng tâm đắc với việc làm nghề được là chính mình, không đánh mất mình và không thẹn với lòng mình. Được làm một nghề mình yêu quý, có thể tạo ra giá trị cho bản thân cũng như người khác, khẳng định được năng lực của chính mình và không đánh mất bất cứ giá trị cốt lõi nào của con người mình đó là điều cần hướng tới của tất thẩy nhưng ai đang mang trong mình một nghề nghiệp.
Phần 4: Làm giáo dục
Bàn về việc làm giáo dục, tác giả đã đề cập đến những yếu tố tác động đến giáo dục quan trọng như nhà trường, nhà giáo, cha mẹ/gia đình, người học và nhà nước. Tác giả đã lấy ví dụ về những nền giáo dục danh giá, có tiếng trên thế giới để minh chứng rằng giáo dục vô cùng quan trọng đối với một con người. Mặc khác, giáo dục con người không phải là nhiệm vụ riêng biệt của bất cứ ai, bất cứ bộ phận nào mà đó là kết quả tổng hoà của rất nhiều yếu tố căn cốt làm nên. Giáo dục con người là một quá trình lâu dài, toàn diện không chỉ từ thể chất, tinh thần, tri thức, đạo đức mà còn là sự khai sáng về trí tuệ và nhận thức. Để có được những thế hệ toàn diện cần có được một nền giáo dục tổng hoà giữa gia đình, nhà trường, nhà nước, bản thân người học, nhà giáo và cả cha mẹ. Đôi khi vì sự vội vã của guồng quay cuộc sống chúng ta chỉ tập trung vào giáo dục kiến thức mà quên đi những kỹ năng sống, trau dồi năng lực làm người đã khiến cho nhiều cảnh tượng ngỡ ngàng, phi đạo đức xảy ra trước mắt. Chính điều đó cho thấy, việc làm giáo dục đúng nghĩa là căn cốt để mang lại những giá trị sống, giá trị tiến bộ cho chính chúng ta và thế hệ tương lai. Hồng sẽ lấy một ví dụ mà đến nay Hồng còn bàng hoàng khi chứng kiến đó chính là bạo lực học đường. Hồng luôn tự hỏi rằng tại sao các em học sinh chỉ lớp 8-9 lại có thể dùng mũ bảo hiểm, gậy gộc đập lên đầu bạn gái cùng trường một cách không ghê tay, không ngập ngừng như thế. Không những thế lại còn quay phim nhằm làm tổn thương tinh thần sâu sắc của bạn học trước những sự cầu xin yếu ớt của bạn mình “Tha cho em đi, tha cho em đi”. Có phải chúng ta đã thất bại nặng nề trong việc giáo dục làm sao để có được năng lực làm người đối với các em? Và chính các em cảm thấy rất bình thường trước những hành động phi đạo đức này, không mẩy may quan tâm đến việc mình làm vừa vi phạm đạo đức vừa vi phạm pháp luật?

Cảm nhận riêng của Hồng về “Đúng Việc” và hành trình khai minh của tác giả “Giản Tư Trung”
Thoạt đầu khi đọc nhan đề “Đúng việc” cứ ngỡ quyển sách sẽ xoay quanh việc mỗi người có một nhiệm vụ, chuyên môn riêng và cứ thế bồi đắp, hun rèn ắt sẽ thành công. Thế nhưng cái nhìn này chỉ là một lát cắt nhỏ trên con đường mà con người đi để làm người, làm dân, làm nghề, làm giáo dục.
Mục tiêu, lý tưởng sống của mỗi người là khác nhau nhưng có lẽ ai cũng muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa. Để mỗi ngày chúng ta sống, làm việc một cách tích cực, đầy năng lượng và lan toả điều tốt đẹp đến mọi người và bình tâm trở về nhà vào cuối ngày.
Đọc đúng việc sẽ giúp cho bạn nhìn nhận lại cuộc sống của chính mình, điều gì quan trọng, sống cho hiện tại và định hướng trong tương lai như thế nào. Mỗi nấc thang đến với thành công là sự nỗ lực vun đắp, mài dũa mỗi ngày. Tuy vậy, thành công như thế nào lại là sự lựa chọn của mỗi người, sống như thế nào để không phải sống mòn, sống hoài sống phí. Sống như một cỗ máy kiếm tiền vô tri, vô giác hay sống tự do tự tại là sự lựa chọn mà thôi.
Cuốn sách sẽ rất phù hợp cho những bạn đang mất định hướng trong cuộc sống, những người cần hoạch định lại tương lai và kể cả những người đã thành công nhưng lại cảm thấy cuộc sống dần tẻ nhạt, vô vị. Đọc xong quyển sách chắc chắc bạn sẽ cảm thấy có rất nhiều điều phải làm, rất nhiều chuyện cần suy ngẫm và thay đổi.
Bản thân chúng ta là sản phẩm của chính mình không phải của ai khác. Hãy là phiên bản tốt nhất của chính mình.
Nếu các bạn muốn sở hữu ngay quyển sách “Đúng việc” thì có thể mua sách tại đường link: https://shorten.asia/7dvZWhRu hoặc https://tinyurl.com/2hggxcq7
Trả lời