Đến với “Dấn Thân” Lean In mang lại cho người đọc nhiều điều thú vị. Nếu không có Dấn Thân có lẽ mình vẫn giữ mãi những sai lầm trong việc bi quan về tương lai và vị thế của phụ nữ trong xã hội. Thậm chí, nhìn lại những việc mình đã từng làm đôi khi muốn thay đổi bất kể khi nào có cơ hội.

Phụ nữ ở bất cứ quốc gia nào trên con đường đi đến thành công và sự nghiệp luôn gặp phải nhiều trở ngại. Chỉ có dũng cảm lựa chọn và đi đến tận cùng mới có thể khẳng định được giá trị cũng như vị thế của họ. Sự phân biệt giới tính, nhận thức xã hội là một trong những rào cản vô hình khiến cho Phụ nữ trở nên yếu thế hơn, tự hạn chế mình và đôi khi rơi vào trạng thái “Tự ti”. “Dấn Thân” đã chỉ ra những quan điểm sai lầm, những điều phụ nữ tự hạn chế mình, khép mình vào những khuôn khổ xã hội, những thước đo từ hàng thế kỉ trước vào mình. Vì vậy với mỗi người phụ nữ bạn nên một lần đọc những trang sách này để thấy được những điểm yếu, những suy nghĩ sai lầm để cải thiện bản thân và tự tin hơn.
Phụ nữ và đàn ông đều có những khả năng vô cùng riêng biệt như thể tạo hoá đã sinh ra hai giới với những thiên chức, tài năng và thế mạnh riêng. Nếu tận dụng được những điểm mạnh của bản thân đó sẽ là ưu thế khó chối bỏ mà bất cứ ai cũng có thể sở hữu. Phụ nữ chưa tận dụng hết những ưu thế riêng về giới, chưa thực sự dũng cảm để đối mặt, đấu tranh và lên tiếng về những quyền lợi mà chúng ta xứng đáng có.
Ngoài ra, “Dấn Thân” còn chỉ ra việc Phụ nữ cần có những động thái ủng hộ, khuyến khích và giúp đỡ nhau để có cơ hội thể hiện tài năng hay thậm chí chỉ là dũng khí để đối mặt với thử thách nắm bắt cơ hội của riêng mình. Trên con đường mà phụ nữ tìm kiếm niềm đam mê công việc, sự thành công trong giấc mơ lãnh đạo chắc chắn phải có thêm sự đồng hành ủng hộ của nhiều người. Người đồng hành quan trọng nhất chính là người bạn đời (Cần cân nhắc là lựa chọn đúng người bạn đời, Người luôn ủng hộ và đồng hành cùng chúng ta), tiếp đến chính là đồng nghiệp và những người phụ nữ đi cùng ta. Đặc biệt trên con đường thành công phụ nữ luôn khát khao có được sự tôn trọng, ủng hộ của Nam giới. Đôi khi nhận thức in hằn trong não bộ, những quan điểm lỗ thời làm cho Đàn ông khó chấp nhận một người phụ nữ lãnh đạo mình. Cảm xúc của họ bị chi phối và phá vỡ mối dây liên kết cân bằng của tạo hoá thậm chí làm ảnh hưởng tới công việc chỉ vì quan niệm “Phụ nữ chả biết gì”, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Nếu như vậy một phần lỗi cũng do Phụ nữ chúng ta chưa chứng minh được khả năng hoặc đơn giản là dũng cảm chứng minh năng lực của mình cho một nửa thế giới còn lại thấy được và công nhận nó.
Thời cổ đại, Phụ nữ đã từng nắm quyền trong chế độ Mẫu Hệ nhưng tới ngày nay Phụ nữ nắm quyền lại vô cũng lạ lẫm. Về năng lực trong vô vàng các cuộc khảo sát kết quả học tập của phụ nữ không hề thua kém nam giới. Thậm chí trong các lĩnh vực riêng biệt mỗi giới đều có những ưu thế vượt trội riêng nhưng tỉ lệ phụ nữ lãnh đạo lại chênh lệch đáng kể. Lí do chính yếu vẫn là phụ nữ tự hạn chế mình, đi tìm sự hoàn hảo và chu toàn trong cuộc sống chấp nhận hi sinh công việc để lui về gia đình. Những người chọn công việc vì niềm đam mê và đôi khi mắc lỗi trong cuộc sống gia đình lại luôn nhận lại những điều dèm pha của xã hội. Nếu phụ nữ không mạnh mẽ, cố gắng khẳng định giá trị của bản thân mình thì dù có bao nhiêu cuộc cách mạng nữ quyền thì phụ nữ vẫn chỉ là phái yếu, vai phụ trong thế giới này.
Cuốn sách này đã dạy cho tôi biết nhiều điều, trong đó điều quan trọng nhất đó là cách lên tiếng “Raise your voice”. Nếu bản thân mình không lên tiếng vì những lợi ích bản thân xứng đáng có được thì nghĩa là chính chúng ta tự mình chối bỏ bản thân mình. Để nói lên được tiếng nói của mình lại cần sự “Dũng cảm” và “Thẳng thắn”. Phụ nữ thường được xem là phái yếu nên việc tự nói lên tiếng nói của mình vô cùng khó khăn, họ đa sầu đa cảm và dễ tổn thương. Cách phụ nữ thường sử dụng để xử lí các tình huống đa phần là hi sinh, chịu đựng nhưng điều đó chỉ làm cho họ bị tổn thương nhiều hơn. Đây khó có thể là liệu pháp lâu dài, phụ nữ cũng bị cái bóng của việc làm hài lòng tất cả mọi người làm thước đo. Thực tế là phụ nữ không cần phải làm hài lòng tất cả mọi người mà chỉ cần cư xử phù hợp, đúng đắn và đáng giá. Dũng cảm và thẳng thắn mới là vấn đề cần thiết.
Trước khi đọc quyển sách này tôi cũng đã mắc những sai lầm mà giờ nhìn lại đôi khi cảm thấy xấu hổ. Tôi đã từng từ chối nhận nữ nhân viên kế toán khi người đó có gia đình và có dự định có con. Đứng trên cái nhìn doanh nghiệp chắc có nhiều người cũng đã từng hành xử như vậy nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng ta đã phân biệt giới tính, đã tước bỏ cơ hội chứng minh năng lực của một người chỉ vì người đó là phụ nữ. Chính bản thân mình là phụ nữ nhưng lại hành xử như vậy quả thật đáng hổ thẹn. Sau khi đọc “Dấn Thân” tôi đã thay đổi, tạo cơ hội đều cho cả hai phái tập trung vào năng lực chứ không phải là giới tính, động viên các nhân viên nữ của mình cố gắng nhiều hơn để tạo nên và khẳng định giá trị bản thân. Tôi mong các bạn dũng cảm hơn, tự tin hơn trước những lựa chọn và đặc biệt cùng hỗ trợ nhau để thành công hơn với giấc mơ lãnh đạo của mình. “Dũng cảm để thành công”
Tại Việt Nam, hơn 70% phụ nữ tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội đó là một điều vô cùng đáng tự hào. Đừng xem đó là điều thiệt thòi nhưng chí ít khi chúng ta cống hiến thì những giá trị như tiền bạc, học thức, vị thế xã hội cũng cần được tôn trọng và ghi nhận tương xứng. Mỗi người phụ nữ hãy là chính mình, tự hào về những nỗ lực và hi sinh mình đã trải qua. Lấy tất cả những trải nghiệm biến thành động lực để đi xa hơn trên con đường mình đã chọn. Hơn thế, chỉ khi có năng lực và tiếng nói mới có thể giúp đỡ những người phụ nữ kém may mắn hơn tìm lại được chính mình.

Những trang cuối cùng của Dấn Thân khép lại nhưng có nhiều điều khác lại mở ra. Bạn có thể đọc tại đây để đánh thức được giấc mơ trong bạn: Dấn Thân của Sheryl Sandberg – Phụ nữ, Công việc và quyết tâm lãnh đạo
Hi vọng các bạn yêu sách, đặc biệt là các bạn nữ có thêm sự tự tin và tự hào về con đường mà mình đã chọn. Đừng sợ hãi khi bắt đầu một điều gì đó, điều đáng sợ nhất đó là sự nuối tiếc và sự cam chịu.
Trả lời