11 Sai Lầm Của Start Up

  1. Định nghĩa sai về thành công

Thành công đối với mỗi người đều được định nghĩa khác nhau vì vậy nếu bản thân người làm Start up không định nghĩa đúng được thành công mà mình mong muốn sẽ dẫn đến việc đi sai đường, mất phương hướng, nản chí, bỏ cuộc. 

Ví dụ: Định nghĩa thành công của một sản phẩm công nghệ là có thật nhiều người dùng để mang lại một giải pháp nào đó đến cho người dùng và cuối cùng là sinh ra lợi nhuận nuôi sống, phát triển công ty. Giá trị mang lại từ khi quyết định bắt đầu là điều then chốt để cho người khởi nghiệp đi đúng trên con đường mình chọn. 

Định nghĩa thành công càng rõ ràng con đường đi càng cụ thể và thành công càng rõ nét. Định nghĩa thành công sẽ được làm rõ trong mục tiêu của từng năm, tháng.

  1. Không biết chính xác mình muốn gì

Không chỉ Start up mà khi làm bất cứ việc gì mà không biết rõ mục đích, đích đến cuối cùng là gì thì ngay khi bắt đầu chúng ta nên suy nghĩ kĩ lại điều chúng ta muốn. Cũng như trong thuật toán để ra output cần có input. Không biết bản thân mình muốn gì, làm vì điều gì, mang lại giá trị gì thì điều đầu tiên ta nên làm là ngồi lại và suy nghĩ tiếp.
Hơn thế, nếu không biết chính xác điều mình muốn thì việc truyền đạt đến cho đội ngũ cũng mung lung, thiếu thực tế khiến cho việc triển khai gặp nhiều khó khăn, kết quả không như mong đợi. Tệ hơn là lạc đề làm ra kết quả không đúng như mong muốn.

  1. Muốn đi thật nhanh nhưng lại không chắc chắn, muốn có kết quả ngay nhưng lại không tập trung.

Đa phần Start up rất nôn nóng và nóng lòng tạo nên sự đột phá hay nói cách khác là “Khát số” và ráo riết “Chạy số” nhưng vì thế nên ngoảnh đầu lại thì không thấy giá trị bền vững ở đâu, chỉ toàn ảo ảnh. Lúc nào cũng có cảm giác phải bắt đầu lại từ đầu. Lời khuyên là hãy đi chậm mà chắc thôi. Suy nghĩ thật kỹ lưỡng và khi hành động phải nhanh, bén và ngọt.

Muốn có kết quả ngay nhưng lại không tập trung cũng được liệt kê tại đây. Bởi lẽ cái gì cũng muốn, làm thật nhiều, phân tán nguồn lực, lãng phí ngân sách và cuối cùng bàn tay 5 ngón nắm lại thì mạnh, xoè ra thì yếu. Mấu chốt của vấn đề là sự tập trung toàn lực vào thứ mình mạnh nhất để thắng.

  1. Ngại chi

Ai cũng biết Start up nguồn tiền hạn hẹp vì vậy phải chi tiêu tiết kiệm. Có một điều vẫn luôn đúng dù là Start up hay công ty lớn đó là tiền nào của đó. Vì vậy suy nghĩ thật kỹ cái gì đáng chi hãy mạnh tay chi ra để đem lại giá trị đang cần, còn cái nào cần tiết kiệm hãy thắt chặt thậm chí cắt giảm. Trước khi quyết định chi nên trả lời câu hỏi “Cái này có cần chi tiêu không? Chi cái này mục đích để mang lại cái gì? Nếu không chi điều gì sẽ xảy ra?” Khi đã có câu trả lời thì hãy hành động dứt khoát và chính xác. Đừng quên là chi đúng theo nhu cầu và tài chính của công ty nhé. Đừng vì một sai lầm mà hao tốn tiền của quý giá của công ty mình. Một câu tặng cho các nhà Start up “Hãy tiêu tiền của công ty như tiêu tiền của chính mình”

  1. Không đầu tư cho đội ngũ nhân viên

Đa phần ai quản trị doanh nghiệp cũng muốn bỏ ra tiền ít mà thuê nhân viên giỏi. Như ở trên tiền nào của đó thôi, nếu đầu tư cho nhân sự giỏi thì những nguồn chi phí khác thay thế, bù trừ, thực thi sẽ được tiết kiệm. Đơn cử chỉ cần 1 sáng kiến từ người có năng lực sẽ giúp bạn tiết kiệm không biết bao nhiêu tiền, kết quả tăng trưởng như mong đợi. Còn nếu bạn chấp nhận nhân sự trung bình thì chi phí xử lý vấn đề, rủi ro, sức ì của nhân sự bạn phải chấp nhận.

Tạo cho nhân viên suy nghĩ làm tạm bợ, không có tương lai, không khả năng phát triển bản thân, không đầu tư cho việc đào tạo nhân sự. Tất cả các điều này chỉ gói gọn một câu “Ngọc không mài không sáng”. Làm việc cho công ty Start up suy nghĩ đầu tiên là để được học hỏi, có cơ hội thăng tiến, phát triển, trải qua khó khăn để được hưởng quả ngọt. Cuối cùng đều không có những điều này chắc chắn chỉ tốn chi phí thay thế nhân sự và chi phí cơ hội hao tổn khi phải nuôi người mới, đào tạo lại và kết quả Start up vẫn hoàn Start up mãi không lớn lên được.

Câu đúc kết đó là Start up không có gì ngoài đội ngũ nhân sự. Dù bạn có nhà đầu tư thì họ đầu tư cho “Đội ngũ nhân sự của công ty bạn” không phải đầu tư cho mình bạn. Nhân sự đôi khi là người phù hợp nhất chứ không phải là người giỏi nhất. Chi tiêu cho đội ngũ nhân sự phù hợp và cho họ cơ hội phát triển đó mới là việc đầu tư hợp lý cho đội ngũ.

  1. Thiếu sự phân công lao động, chưa tin tưởng và dành cho nhân viên khoảng không để phát triển, sáng tạo.

Ở Start up hầu như trước khi làm Sếp thì bạn nên làm nhân viên mới có thể hướng dẫn và đào tạo nhân sự. Điều này đúng vì chúng ta đi từ những ngày đầu tiên, phải là người hiểu sản phẩm, doanh nghiệp của mình hơn bất cứ ai nhưng cũng vì lí do này sai lầm của lãnh đạo hay nhà quản lí đó là ôm hết công việc vào người, thiếu sự phân công công việc. Vì lẽ đó người lãnh đạo đáng lý phải dành thời gian sáng suốt suy nghĩ chiến lược lại suốt ngày đi làm việc vặt. Đã thế lại không cho nhân viên cảm nhận được sự tin tưởng và khoảng không phát triển, sáng tạo dẫn đến không được tự quyết điều gì, chán nản và rời khỏi doanh nghiệp. Câu đúc kết đó là “Tin tưởng để giao việc và giao việc cần tin tưởng”. Điều này không có nghĩa là phó mặc công việc cho nhân viên và bạn đi chơi. Bạn hãy kiểm tra lại và điều chỉnh nếu cần thiết nhưng đừng can dự vào khi nhân viên đang làm việc.
Mặt khác, đối với Start up bạn có lợi thế về việc chuyển đổi nhanh chóng hơn các doanh nghiệp lớn cồng kềnh về bộ máy nhưng đó cũng chỉ là thế mạnh duy nhất còn lại tiền bạc, vật chất, cơ sở, hệ thống… rất nhiều thứ thiếu thốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất giúp cho Start up tồn tại, phát triển đó chính là “ý tưởng và sự sáng tạo”, nếu không có điều này thì mặc nhiên một ngày bạn sẽ tự cảm nhận doanh nghiệp của mình đang chết dần.

  1. Thiếu kỹ năng quản lý tài chính và quản lý nhân sự

Tài chính là máu của một doanh nghiệp nếu lơ đễnh thì không đủ máu nuôi cơ thể, thiếu hụt lâu ngày thì sẽ chết. Nếu thiếu sự cẩn thận, tỉ mỉ thì báo cáo vẫn có tiền nhưng dòng tiền thật sự lại chậm dẫn đến bệnh thiếu máu lên não kìm hãm sự phát triển, nếu không điều trị thì lâu ngày sẽ suy kiệt mà chết. Kết lại nếu không quản lý được tài chính hãy kiếm một người có tư duy tài chính giỏi để chọn mặt gửi vàng. Dòng tiền là điều tối quan trong trọng và không được xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc thất thoát, cần duy trì, xoay vòng nhanh mới tạo ra sự ổn định.

Kỹ năng quản trị nhân sự là kỹ năng quan trọng mà nhà quản lý tại cấp bậc nào cũng cần có. Thời đại này không còn “Cây gậy và củ cà rốt” nữa mà bạn phải dùng “Đắc Nhân Tâm” để quản trị, biết lắng nghe và xử trí nhiều hơn. Việc lắng nghe nhân sự của mình là điều vô cùng khó khăn bởi đa phần họ không bao giờ nói với bạn họ muốn gì nhưng chúng ta phải hiểu, tâm lý và xử lí mọi chuyện đúng mực, hợp tình hợp lý tuỳ vào văn hoá từng công ty, từng vùng miền, đất nước. Dấu hiệu nhận biết khi bạn đang không lắng nghe nhân sự của mình đó là khi nhân sự luôn luôn làm theo ý của bạn mà không có bất cứ đề xuất hay sáng kiến nào cho bạn. Bởi vì trước đó bạn đã gạt phắt đi hết thảy hoặc là bạn đã làm họ quá phụ thuộc vào mình đến mức không có chính kiến, không có khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, hiệu quả hay không hiệu quả, tốt và tốt hơn.

Đặc biệt, trong kỹ năng quản lý nhân sự hãy dùng đức nhân thắng số, có trước có sau để đến lúc bạn cần sự trợ giúp vẫn có người ở bên, sẵn lòng giúp đỡ. Cuộc sống nhiều khó khăn hãy giúp nhau sống tốt và phát triển. Đừng ỷ đông hiếp yếu mà hãy giúp đỡ những người yếu thế hơn mình vì biết đâu đến một ngày bạn sẽ cần đến họ.

  1. Thiếu tôn trọng và thực thi pháp luật

Đa phần Start up không quan tâm đến pháp luật và ném đá dò đường. Thậm chí nghĩ mình chẳng có gì để mất vì vậy cứ chơi khô máu. Đây chính là sai lầm “Làm đúng ngay từ đầu” mới là khôn ngoan, nếu bạn làm sai thì phải đi con đường dài hơn người khác. Thậm chí chỉ cần sai lầm một lần thì mất trắng trong một canh bạc, bồi thường gấp nhiều lần lợi nhuận và xấu nhất là đi nghỉ mát tại biệt thự bằng đá sau bao tháng ngày vất vả làm ăn. Lời khuyên cho bạn đó là nghiên cứu pháp luật, tuân thủ pháp luật nhất có thể và luôn có một vị luật sư thân tín ở bên khi cần. Đừng xài luật rừng vì đến một ngày luật trời sẽ xử lại bạn.

  1. Không định nghĩa và xây dựng văn hoá công ty

Công ty Start up đa phần không định nghĩa và xây dựng văn hoá cho mình. Đây là sai lầm thườn gặp. Mỗi công ty, lĩnh vực, vị trí đều cần những yêu cầu riêng, những con người có đức tính, kỹ năng riêng. Vì vậy nếu không định nghĩa và xây dựng văn hoá doanh nghiệp ngay từ đầu thì sẽ rất khó xây dựng được hình tượng con người phù hợp trong doanh nghiệp đó. Kinh doanh ngoài tiền bạc cần có một giá trị, lý tưởng, sứ mệnh riêng. Đây cũng chính là thước đo sự phù hợp của nhân lực với một doanh nghiệp. Đồng thời cũng là hướng đi, con đường mà dù có điều gì xảy ra chúng ta cũng không được từ bỏ hoặc đi chệch hướng với giá trị cốt lõi, sứ mệnh mà mình đã định ra từ trước.

  1. Chậm thay đổi và ngại thay đổi

Ưu thế của Start up là sự linh động, nhanh chóng thích nghi và luôn luôn đi đầu tuy nhiên về việc luôn thay đổi để thích nghi không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Đặc biệt là về đội ngũ và tư duy nhà lãnh đạo, nếu không thể liên tục học hỏi, thích ứng với cái mới thì kết quả sẽ tụt hậu, đánh mất lợi thế duy nhất mà công ty khởi nghiệp có được. Việc thay đổi về công nghệ, xu hướng của thị trường để điều chỉnh kế hoạch linh hoạt, để có bước chuyển mình phù hợp là điều người làm Start up phải luôn chuẩn bị tâm thế để thực hiện nếu muốn doanh nghiệp non trẻ của mình đi đúng hướng và đi đến đích. 

  1. Thiếu người đồng hành và hành xử không công bằng với người đồng hành

Ông bà ta có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” ắt hẳn không phải tự dưng lại có câu này đúng không các bạn? Đối với Hồng mỗi người đồng hành cùng mình trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất được gọi là người đồng hành. Không ai có thể đi đến thành công một mình hoặc đi một con đường dài mà chỉ có một mình. Nói trắng ra thì nếu doanh nghiệp của bạn có nhà đầu tư người ta cũng không mạo hiểm đầu tư vào doanh nghiệp chỉ có mình bạn mà không có người đồng hành nào. Người đồng hành được đánh giá dựa trên năng lực, đóng góp cho công ty và hơn thế trên con đường Start up sẽ có những lúc bạn chùn chân, tuyệt vọng họ sẽ là chỗ dựa tinh thần chia sẻ, động viên và thậm chí dìu bạn đi. Nếu bạn đánh mất người đồng hành tôi chắc rằng một ngày nào đó bạn sẽ hối hận. Nếu may mắn bạn đi đến thành công nhưng đến ngày đó khi nhìn lại tôi cũng tin chắc rằng thành công đó không hề trọn vẹn.
Bàn đến việc đối xử tệ với người đồng hành thì chúng ta cũng nên thành thật rằng nếu bạn thật sự làm vậy thì lời khuyên của tôi là bạn nên thay thế toàn bộ đội ngũ đi cùng nên bạn muốn làm ăn tiếp bởi đơn giản thôi. Nếu người đồng hành của bạn quá tệ cần thay thế thì mọi người sẽ hiểu và đi tiếp cùng bạn. Còn trong trường hợp ngược lại thì đội ngũ đi cùng bạn đều sẽ có chung một suy nghĩ “Đến người đi cùng Anh/Chị ta lâu như vậy, làm bao nhiêu thứ cũng bị đối xử như vậy thì chúng ta là gì?”. Chính vì lẽ đó bạn đi trên con đường đã cô đơn sẽ lại càng cô đơn hơn.
Đơn cử bạn xem những chương trình đầu tư mạo hiểm ắt cũng có nghe qua câu hỏi: “Bạn có người đồng sáng lập/người đồng hành không?” và chắc cũng có rất nhiều lý do khác để người ta hỏi như thế nhưng trên đây Hồng chỉ chia sẻ hai điều cơ bản thôi chắc cũng đã đủ rồi.
Đúc kết lại cho phần Người đồng hành: Hãy cân nhắc lựa chọn cho mình một người đồng hành thật sự xứng đáng, nếu một ngày bạn thấy không còn có thể đi chung con đường hãy đối xử công bằng, kết thúc đẹp đẽ và chân thành nhất có thể để giữ lại những điều quý giá nhất bạn nhé!

Hy vọng những điều chia sẻ này của mình sẽ giúp cho những ai đang có giấc mơ khởi nghiệp, đang đi trên con đường khởi nghiệp tránh vấp phải để con đường đi đến thành công của các bạn ngắn hơn. Bởi những vấp ngã đều là những bài học vô giá, những sai lầm đều phải trả một cái giá tương đương. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm video clip tại kênh Youtube: Xuan Hong DiSale

Phần 1:

Phần 2:

Phần 3:

Note:  Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của Blog.

Nguyễn Xuân Hồng – Digital Sales

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Start a Blog at WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: